10:46 ICT Thứ sáu, 19/04/2024
      Language :

Trang nhất » Tin Tức » Âm nhạc

Đàn Nhị trong đờn ca tài tử Nam bộ

Thứ ba - 04/10/2011 10:21   -   Đã xem: 5838

Đàn Nhị trong đờn ca tài tử Nam bộ

Đàn Nhị trong đờn ca tài tử Nam bộ

Người dân Việt Nam luôn tự hào có một nền âm nhạc cổ truyền hết sức đa dạng, phong phú. Nền âm nhạc cổ truyền giàu tính nghệ thuật ấy được thể hiện bởi những nhạc khí tuy thô sơ nhưng sức chuyển tải vô cùng to lớn.

Chúng ta đều biết, nhạc khí cổ truyền Việt Nam được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, có những nhạc khí được sinh ra trên đất nước Việt Nam, có những nhạc khí được du nhập từ các nơi trên thế giới nhưng dù chúng có xuất xứ từ đâu đi chăng nữa, điều quan trọng là những nhạc cụ ấy đều thể hiệnđược tình cảm của người dân Việt Nam, của tráitim Việt Nam bằng ngôn ngữ, tiếng nói của con người Việt Nam đầy tính nghệ thuật và giàu lòng nhân ái.
 

Người ta cho rằng đàn Nhị hay đàn Cò Việt Nam có xuất xứ từ cây đàn Erhu (Nhị Hồ) hay Huqin (Hồ cầm) của Trung Quốc, nhưng chúng ta đều thấy rằng qua khối óc và trái tim của những nghệ nhân Việt Nam, từ cây đàn Erhu kia nay đã thành cây đàn Nhị hay đàn Cò Việt Nam, với âm sắc và điệu đàn không thể lẫn lộn vào đâu được nếu đem so sánh ngược lại với cây đàn “Mẹ” của nó.
 

Có thể khẳng định rằng đàn Nhị là một trong những nhạc khí đa năng nhất trong kho tàng nhạc khí cổ truyền ở Việt Nam cũng như ở Châu Á. Với tính năng độc đáo của mình, đa dạng trong thể hiện cộng với âm sắc đặc thù, đàn Nhị đã phản ánh được tâm tư, tình cảm của người Việt, do đó, đàn Nhị xuất hiện trong hầu hết các thể loại âm nhạc từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam đến những sáng tác mới theo hình thức châu Âu, hiện diện đầy đủ với các hình thức diễn tấu từ độc tấu, song tấu, tam tấu đến hòa tấu, từ thính phòng đến sân khấu, đâu đâu đàn Nhị cũng thể hiện rõ khả năng diễn tấu linh họat của mình mà khó có một nhạc cụ cổ truyền nào đạt được.
 

1
 

Theo sự phân loại, các nhạc khí dây, có cần, cung vĩ kéo trên dây được xếp vào họ đàn “dây” có cần và chi “kéo”. Các nhạc cụ này xuất hiện rất sớm, vào khoảng2000 năm trước Công Nguyên  tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các loại nhạc khí này rất đa dạng về hình dáng và cấu tạo nhưng có thể được chia thành hai nhóm:
 

- Nhóm những nhạc khí dây kéo có cần đàn dài và đầu nhọn.

- Nhóm những nhạc khí dây kéo có cần ngắn và đầu không nhọn.
 

Đàn Nhị là nhạc khí thuộc bộ dây, họ cung vĩ1
 

Khi đi tìm lịch sử hình thành đàn Nhị tại Việt Nam, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng đàn Nhị xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ thứ X. Người tacăn cứ vào những đường hoa văn trên những bệ đá kê chân một số cột ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có khắc hình một dàn nhạc Phật giáo – một dàn nhạc cung đình của triều đại sùng Phật thời đó – trong đó có người sử dụng đàn Hồ, là một loại đàn vĩ. Cây đàn Hồ ấy có nguồn gốc từ Trung Á phải chăng đã biến dạng qua Trung Hoa trước khi vào Việt Nam (¹).
 

Cũng gần với nhận định trên, người ta cho rằng nếu xét về tên gọi thì  Nhị là tên gọi tắt của Nhị huyền (hai dây) hay Nhị huyền cầm (đàn hai dây). Người Trung Quốc còn gọi Nhị huyền cầm là Nhị Hồ (Erhu) và một dạng Nhị huyền cầm khác được gọi là Hồ cầm (Huqin). Chữ Hồ ở đây còn có ý nghĩa đàn này là của “rợ” Hồ từ phương Bắc đã du nhập vào Trung Quốc - Erhu: Er có nghĩa là hai (số 2), hu có nghĩa là man rợ.
 

Nhị Hồ sau khi vào Việt Nam đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau nhưng thông dụng nhất là đàn Nhị và đàn Cò. Gọi là đàn Nhị vì đàn có hai dây; Ở miền Nam thì gọi là đàn Cò vì ở trên cùng của cần đàn được chế tác như cổ và mỏ con Cò; Ngoài ra người Mường thì gọi là đàn Cò Ke vì khi đàn, cung vĩ kéo qua, kéo lại như cò cưa,…
 

Đàn Nhị Hồ vào Việt Nam trở thành đàn Nhị hay đàn Cò. Điều đó đã chứng minh sự sáng tạo và tình yêu âm nhạc của ông cha ta, của các nghệ nhân ngày xưa rất mãnh liệt. Không chỉ dừng lại ở đàn Nhị hay đàn Cò bình thường, có cùng kích cỡ,âm sắc, trong quá trình phát triển, các nghệ nhân đã cho ra đời những cây đàn cùng họ như Cò Líu, Cò Lòn, Cò Dương hayđàn Gáo mà người ta cho rằng nó giống với Hồ Cầm của Trung Quốc vì có âm thanh trầm gần như nhau. Có một điều thú vị ở đây là nếu ở thể loại Tứ tấu dây của phương Tây gồm Violon 1, Violon 2, Viola và Cello thì ở Việt Nam chúng ta cũng có bộ dây gần tương đương là Cò Líu, Cò Dương, Cò Lòn và Gáo.
 

Như trên đã trình bày, đàn Nhị là một trong những nhạc cụ đa năng nhất trong các nhạc cụ cổ truyền, do đó nó xuất hiện trong hầu hết các loại hình âm nhạc cổ truyền dân tộc, là một trong những nhạc cụ chính trong các dàn nhạc Tuồng, Chèo, Cung đình Huế,… và trong bài viết này chúng tôi muốn trình bày vai trò của đàn Nhị trong đờn ca tài tử Nam bộ.
 

Chúng ta đều biết nền tảng của đờn ca tài tử là nhạc Lễ (còn gọi là nhạc ngũ âm), một loại nhạc chủ yếu phục vụ cho các lễ hội tại địa phương được phát triển vào thế kỷ thứ XVII và thịnh hành ở miền Nam vào cuối thế kỷ XIX. Dàn nhạc được chia làm hai nhóm (phe) Văn và Võ. Phe Võ chủ yếu là các nhạc cụ gõ và kèn; Phe Văn chủ yếu là bộ trống nhạc lễ và các nhạc cụ dây kéo vĩ. Do nhu cầu phục vụ đòi hỏi các ban nhạc Lễ cần được tổ chức một cách gọn nhẹ hơn, bộ trống nhạc lễ trong phe Văn đã được thay bằng song loan, còn các nhạc cụ dây kéo vĩ cũng được bỏ bớt để chỉ còn có đàn Cò(²). Ngoài ra, phe Văn còn kết hợp với ca hát, khởi đầu bằng việc đặt lời ca vào một số bài bản của nhạc Lễ, thêm một số nhạc cụ dây gảy,… Từ đó những ban nhạc Lễ còn có tên gọi khác là nhóm “Đờn cây” (tên gọi để phân biệt phe Văn với dàn nhạc gồm các nhạc khí dây khác với phe Võ, dàn nhạc gồm các nhạc khí kèn và trống). Song song với các ban nhạc Lễ và nhạc Hát Bội đang thịnh hành, kể từ năm 1875 trở đi, các nhóm đờn cây phát triển mạnh trong dân chúng, bài bản được bổ sung và chuyển hướng vào phong cách thính phòng, nhóm đờn cây được thay tên là “Đờn ca tài tử”. Có thể nói nền âm nhạc thính phòng Việt Nam, ngoài Ca Trù, Ca Huế, nay đã được bổ sung thêm một loại hình nghệ thuật nữa, đó là “Đờn ca tài tử”- loại hình nghệ thuật phát triển mạnh từ đầu thế kỷ thứ XX.
 

Đờn ca tài tử ngày càng phát triển và trở thành một phong trào ca nhạc phổ thông, sâu rộng khắp các vùng ở miền Nam. Nhiều nhóm tài tử được hình thành, nổi lên nhất là hai nhóm:
 

- Nhóm miền Đông (vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và phụ cận) do ông Nguyễn Quang Đợi tức Ba Đợi, một nhạc sư từ triều đình Huế vào đứng đầu, cùng với các nghệ sĩ khác như Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Điểu...
 

- Nhóm miền Tây (Vĩnh Long và Sa Đéc) do ông Trần Quang Quờn tức Ký Quờn, người Huế, vào sống ở Vĩnh Long, làm thủ lĩnh cùng với các nghệ nhân Trần Quang Diệm, Nguyễn Liên Phong và Nguyễn Tư Ba (người gốc Quảng Nam).
 

Các nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử thường là đàn Tranh, đàn Cò, đàn Kìm, đàn Gáo, đàn Độc huyền, Tiêu v.v... Đến khoảng năm 1930, đàn Guitar phím lõm, Violon và Hạ uy di  đã được thêm vào trong biên chế ban nhạc(³). Nét đặc biệt trong hòa đàn tài tử chúng ta thường thấy là sự kết hợp của các nhạc cụ có âm sắc khác nhau; ít khi thấy kết hợp các nhạc cụ có cùng âm sắc như: song tấu Kìm – Tranh, Kìm – Cò; tam tấu đàn Kìm – Tranh – Cò, Kìm – Tranh – Độc, hay tứ tấu, ngũ tấu,…
 

Sơ lược quá trình hình thành nhạc tài tử Nam bộ, để thấy rằng nguồn gốc của đờn ca tài tử là nhạc Lễ. Sự thích ứng của phe Văn dựa theo yêu cầu của xã hội là sự ra đời của những nhóm đờn cây và kết quả cuối cùng của sự thích ứng đó là sự ra đời của những ban đờn ca tài tử. Suốt chiều dài hình thành nên một nền nghệ thuật Nam bộ quý giá đó, đàn Cò luôn luôn có mặt trong bất kỳ vào thời điểm nào. Cũng như trong các dàn nhạc khác, từ Tuồng, Chèo,… và đến đờn ca tài tử, đàn Cò không chỉ hiện diện một cách đơn thuần mà còn khẳng định là một nhân tố chính trong các dàn nhạc. Khó có thể tưởng tượng trong các dàn nhạc ấy lại có thể thiếu vắng tiếng đàn Cò. Những âm thanh gãy gọn của các loại nhạc cụ dây khảy sẽ được kết nối lại với nhau qua tiếng đàn dây kéo. Sự réo rắt của tiếng đàn Tranh, đĩnh đạc của tiếng đàn Kìm hay liến thoắng của đàn Guitar phím lõm,... sẽ được hòa quyện lại với nhau bằng sự mượt mà, ẻo lả của tiếng đàn Cò. Trong hầu hết các hình thức hòa đàn của đờn ca tài tử, từ song tấu đến tam tấu, tứ  tấu,… đâu đâu ta cũng thấy có hiện diện của đàn Cò. Với tính năng độc đáo của mình, ngân dài, vang xa,… đàn Cò như làm nhiệm vụ kết dính các nhạc cụ lại với nhau, đó là điều có thể nói khó có nhạc cụ nào làm được.
 

1Khi ban nhạc trình tấu những bài có tính chất vui trong các bản Bắc, những người chơi nhạc cụ dây gảy liên tục phô diễn kỹ thuật, thể hiện sự nhanh nhạy của mình bằng cách đàn nhiều chữ, qua đó chứng minh những tính năng ưu việt của nhạc cụ cũng như kỹ năng điêu luyện của mình. Người chơi đàn Cò cũng không hề chịu kém, lúc khoan, lúc nhặt, lúc chầm chậm ở âm vực thấp rồi bỗng chợt vút bay bổng lên âm vực cao, để rồi hòa cùng những nhạc cụ khác tạo nên một bức tranh âm thanh sinh động.
 

Đối với các bản Oán hay Ai, cùng với tiếng đàn Kìm thổn thức, tiếng đàn Tranh rì rào,… còn tiếng đàn Cò, nhờ vào đặc tính ngân dài âm thanh, bằng những ngón nhấn, ngón rung, vừa sâu vừa chậm, mỗi khi đàn Cò vang lên, nó đã làm cho biết bao người phải nao lòng vì sự nỉ non, u buồn của nó, và có thể khẳng định rằng đàn Cò đã nâng một bước trong việc tạo cảm xúc cho người nghe khi thưởng thức một bản đàn hơi ai, hơi oán một cách trọn vẹn.
 

Trong hơi Lễ, đàn Cò xuất hiện như một nhân vật chính. Đàn Cò luôn hiện diện trong các ban nhạc từ ban nhạc Lễ đến nhóm đờn cây và sau đó đến nay là các ban đờn ca tài tử. Các bài bản của nhạc Lễ cũng đã được dùng khi chơi đờn ca tài tử, chính vì thế, việc trình tấu những bài bản thuộc hơi Lễ được xem như một sở trường đối với đàn Cò. Việc không còn bộ trống Lễ trong dàn nhạc, phần nào đã làm nhẹ hơi Lễ trong khi trình tấu những bài bản trong Thất Chánh, thậm chí có những ban đờn ca tài tử, khi trình tấu luân phiên những bài bản Lễ cùng các bài bản Bắc mà chưa có sự xuất hiện của đàn Cò thì sự khác nhau giữa Lễ và Bắc dường như chỉ là tên bài hay giai điệu, còn sự khác nhau giữa hơi thì không rõ nét. Tuy nhiên, nhờ có sự xuất hiện của đàn Cò, trình tấu cái “hơi” sở trường của mình thì các bài bản Lễ đã nghe “Lễ” hơn.
 

Sự xuất hiện của đàn Violon vào khoảng năm 1930 trở đi, phần nào đã làm ảnh hưởng đến vị trí đàn Cò trong dàn nhạc tài tử, Đàn Violon với nhiều thuậnlợi về cấu tạo, có âm vực rộng hơn, có âm sắc ấm hơn và đặc  biệt là hình dáng trông “Tây” hơn đã tạo cho mình có được vị trí vững chắc trong các ban đờn ca tài tử và làm cho đàn Nhị bị lu mờ. Tuy nhiên trong tiềm thức của người Việt Nam, tiếng đàn Cò vẫn là một âm thanh đã và đang vang vọng. Người ta không thể quên được tiếng đàn Cò trang nghiêm khi trình tấu những bài nhạc Lễ, não nuột trong những bản oán, ai và vui tươi, linh hoạt trong các bài bản Bắc. Đàn Cò vẫn đứng vững với vị trí của mình trong các ban đờn ca tài tử.
 

Ngày nay, đàn Nhị hay đàn Cò đã không ngừng phát triển. Trước yêu cầu thưởng thức ngày một cao của quần chúng nhân dân, cùng với việc tiếp thu tinh hoa các nhạc cụ dây vĩ trên thế giới, đàn Nhị đã có mặt trong các loại hình hòa tấu đương đại, từ song tấu, tam tấu hay tứ tấu, từ dàn nhạc thuần dân tộc hay tổng hợp, từ trường phái cổ điển hay nhạc nhẹ theo lối phương Tây, đàn Nhị đều đã chứng minh được sự đa năng của mình. Khả năng trình tấu được nhiều phong cách, nhiều thể loại, khẳng định được vị trí của mình trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Trong âm nhạc cổ truyền, đàn Nhị sẽ đứng vững và cùng đi mãi với Chèo, với Tuồng, với Ca Huế và nhất là với đờn ca tài tử. 
 

Chú thích:
(¹) Nguyễn Thụy Loan. Tạp chí nghiên cứu nghệ thuật số 1-1979. “Suy nghĩ về sức sống Việt Nam qua những chặng đường sử nhạc”

(²) Kiều Tấn. 2002. "Hệ thống bài bản nhạc tài tử Nam bộ". "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh" -  Nhà xuất bản Trẻ.

(³) Nguyễn Thuyết Phong. 1998. Vietnam. Garland Encyclopedia, Volume 4.

 

Bùi Thiên Hoàng Quân
ANVN18 (04/2011)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

New Comment

  • . : Âm nhạc : .
    1  pham le hoang :
    xin giup do goi cho phan mem chap nhac encore
    1 Xem tin

  • . : Âm nhạc : .
    1  Hùng Cường :
    Chào thầy. Cho em hỏi. Tại sao em đánh lời bài hát mà nó lại nhảy lên góc bên trái. Mong thầy giúp
    1 Xem tin

  • . : Âm nhạc : .
    1  Trương Sam :
    XIN CHÀO NHẠC SĨ PHẠM TÙNG.

    Nhờ Nhạc sĩ vui lòng chỉ dẫn cách ghi cho cọng (thân, stem)...
    1 Xem tin

  • . : Âm nhạc : .
    1  QUỐC KHÁNH :
    cho mình hỏi . muốn viết nhạc bằng đàn organ thì làm sao? bình thường nếu làm bằng Encore viết bình...
    1 Xem tin

  • . : Âm nhạc : .
    1  thai :
    em đặt dấu quay lại và coda mà khi mở thử nó kg chạy theo các ký hiệu đó là sao vậy?
    1 Xem tin


Bài đọc nhiều